Nguồn gốc và giá trị dinh dưỡng của măng tây
26/09/2022 |Măng tây - loài rau dành cho các vị vua
Từ xa xưa, con người đã phát hiện ra măng tây mọc hoang dọc theo các bãi biển và bờ sông của vùng Địa Trung Hải, nhưng họ chưa sử dụng nó cho mục đích cụ thể nào. Phải đến khi một số bức phù điêu cổ được khai quật, cho thấy măng tây đã được người Ai Cập cổ đại dùng làm lễ vật dâng lên các vị thần từ trước Công Nguyên vài ngàn năm. Hơn thế, các pharaoh và tầng lớp quý tộc có thể đã sử dụng măng tây làm thuốc và thực phẩm. Tuy nhiên chúng ta không thể biết liệu người Ai Cập cổ có tìm cách thuần hoá sản vật trời cho này qua phương thức trồng trọt hay không.
Người Hy Lạp (sau bị đế quốc La Mã chiếm đóng) đã chứng minh vì sao họ được tôn vinh là “sành ăn nhất trong thời kỳ cổ đại”, khi đem đủ loại rau quả dại thơm ngon về trồng tại vườn nhà. Măng tây được thuần hoá mạnh mẽ khi họ nghiêm túc trong việc trồng nó cách đây khoảng 2200 năm.
Bức hoạ vẽ bó măng tây được tìm thấy tại Pompeii, một thành phố thuộc La Mã cổ đại (A fresco from the House of the Vettii)
Đế chế La Mã cổ đại đánh giá cao hương vị và giá trị dược liệu của loài cây này, họ đã phát triển ra các kỹ thuật làm vườn tốt nhất vào thời đó, để luôn sản xuất đủ măng tây. Rất nhiều tài liệu hay ho có đề cập về trồng măng tây được chắp bút bởi các nhà nghiên cứu sống vào thời đó, “De agri culture” của Cato the Elder, “Naturalis Historia” của Pliny the Elder và nhiều công trình nông nghiệp khác.
Các tài liệu kỹ thuật khô khan ấy phần nào thể hiện tình yêu cháy bỏng của người La Mã dành cho măng tây, bởi không yêu thì họ đâu dành thời gian để nghiên cứu về nó nhiều đến vậy. Hoàng đế La Mã Caesar Augustus còn thể hiện niềm yêu thích măng tây một các phô trương hơn cả. Augustus có hẳn một đội quân tinh nhuệ chuyên đi lung sục, tìm kiếm và vận chuyển măng tây về cho mình. Cứ ở đâu có măng ngon lá sẽ được cuốn vào trong lá cây và ship về Rome ngay trong đêm. Nếu hoàng đế muốn để dành măng cho dịp khác thưởng thức, ngài sẽ đem măng lên cất trên dãy Anpơ băng giá, cái tủ lạnh khổng lồ của ngài.
Hoàng đế Caesar Augustus và bó măng tây (Ảnh chế nổi tiếng trên Internet)
Ngoài Ai Cập và La Mã cổ đại, còn rất nhiều nền văn minh khác dành tình yêu cho loài cây này. Nó đã từ vùng Địa Trung Hải lan rộng ra toàn châu Âu, đồng thời sang Bắc Mỹ, Bắc Phi, Nam Mỹ và Úc từ nhiều thế kỷ trước. Với quá khứ là con cưng như vậy, măng tây hẳn phải là loài thực vật đem đến nhiều giá trị quý báu cho con người.
Phân bố các vùng trồng măng tây số lượng lớn. Màu xanh biểu thị vùng đất có măng tây là loài bản địa, màu tím biểu thị vùng đất có măng tây là loài du nhập vào. (Nguồn: Asparagus publication)
Giá trị dinh dưỡng của măng tây
Được mệnh danh là "Hoàng đế của các loại rau" không phải vô cớ, măng tây không chỉ quyến rũ bởi vẻ ngoài thanh lịch mà còn bởi giá trị dinh dưỡng cao mà nó mang lại. Khám phá thành phần dinh dưỡng của măng tây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao loại rau này lại được ưa chuộng đến như vậy trong các bếp ăn trên khắp thế giới.
"Thành phần dinh dưỡng"
Bảng tổng quan về dinh dưỡng trong 100g măng tây sống. (Măng tây đứng thứ 10 trong danh sách 14 loại rau tốt cho sức khoẻ nhất trên TG)
Calo Chất xơ Đường Protein Hàm lượng chất béo |
20 kcal 2,1 g 1,9 g 2,2 g 0,12 g |
|
|
Vitamin B1 Vitamin B2 Vitamin B3 Vitamin B9 Vitamin C Vitamin E Vitamin K |
0,143 mg 0,141 mg 0,978 mg 52 ug 5,6 mg 1,13 mg 41,6 ug |
|
|
Canxi Đồng Sắt Magie Mangan Kali Selen Natri Kẽm |
24 mg 0,19 mg 2,14 mg 14 mg 0,158 mg 202 mg 2,3 ug 2 mg 0,54 mg |
>> Một số chất dinh dưỡng nổi bật của măng tây khi so sánh với các loại rau củ khác:
- Vitamin K: Măng tây chứa lượng vitamin K cao, đây là một trong những loại vitamin quan trọng cho quá trình đông máu và sức khỏe xương.
- Folate (Vitamin B9): Hàm lượng folate trong măng tây cũng rất cao, một dưỡng chất thiết yếu trong việc hình thành ADN và tăng trưởng tế vào. Folate đặc biệt quan trọng cho phụ nữ mang thai vì nó giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở em bé.
- Chất xơ: Măng tây có hàm lượng chất xơ tốt, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và có lợi cho việc giảm cân và kiểm soát cân nặng.
- Chất chống oxy hóa: Măng tây chứa nhiều glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ cùng với vitamin C và E, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do - nguyên nhân gây bệnh ung thư.
- Calo thấp: So với nhiều loại rau khác, măng tây có hàm lượng calo thấp, làm cho nó trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho những người đang muốn kiểm soát cân nặng.
Với "bản lý lịch" vượt trội (thành phần các chất đa dạng cùng hàm lượng dinh dưỡng cao), măng tây đã và đang giữ vững vị thế rau vua của mình. Lợi ích nó đem lại cho sức khoẻ con người nhiều không đếm xuể, có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet. Nhưng trọng tâm là nó cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu, từ đó nâng cao sức khoẻ tổng thể, tăng sức chống chịu với bệnh tật.
Phân loại măng tây theo màu sắc
Măng tây có thể được phân loại dựa theo màu sắc của ngọn măng: xanh, trắng và tím.
Măng tây xanh là loại phổ biến nhất, chúng có màu xanh của chất diệp lục. Măng tây xanh chứa nhiều chất xơ, chất đạm, vitamin K, B9, A và C,... cũng như các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như sắt, kẽm,..., với hàm lượng cao nhất trong ba loại măng.
Măng tây trắng thực chất là măng tây xanh, nhưng chồi măng mọc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Khi quá trình quang hợp không xảy ra, măng sẽ mất đi màu xanh và nhạt dần thành màu trắng hồng. Loại này có vị ngọt thanh hơn so với măng tây xanh. Tuy nhiên, lượng chất xơ và một số chất dinh dưỡng trong măng trắng cũng sẽ không cao bằng.
Măng tây tím có màu tím đặc trưng do chứa lượng lớn chất chống oxy hoá Anthocyanin. Hợp chất này khiến măng có phần ngọt hơn hai loại măng còn lại. Măng tây tím cũng thường có ít chất xơ nhất, mềm hơn và gần như có thể ăn từ đầu đến gốc.
Đang cập nhật bài viết