Cách trồng măng tây tại nhà cho người mới bắt đầu
08/03/2025 |
1. Lựa chọn đất trồng phù hợp
Măng tây phát triển tốt nhất trên những loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt. Những loại đất thích hợp bao gồm:
- Đất phù sa: Giàu chất dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng mạnh.
- Đất thịt nhẹ: Đảm bảo khả năng giữ ẩm nhưng vẫn có độ thoát nước hợp lý.
- Đất cát pha: Giúp bộ rễ phát triển khỏe mạnh, không bị úng nước.
- Đất đỏ bazan: Chứa nhiều khoáng chất, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.
Ngoài ra, để giúp đất giàu dinh dưỡng hơn, bạn có thể cải tạo đất bằng cách bổ sung phân hữu cơ hoai mục, phân chuồng hoặc phân trùn quế trước khi trồng. Cần đảm bảo đất có độ pH từ 6,5 - 7,5 để cây phát triển tốt nhất. Măng tây ưa độ ẩm từ 40-50% nhưng lại không chịu úng ngập. Vì vậy, cần chuẩn bị nền đất cao ráo, có hệ thống thoát nước tốt để đảm bảo cây không bị úng rễ. Nếu trồng trong chậu, nên chọn chậu có độ sâu ít nhất 40cm để bộ rễ phát triển tốt.
- Cách bón lót làm như sau:
- Trộn đất với phân chuồng hoai mục (phân bò, phân gà hoặc phân trùn quế) để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.
- Bón vôi bột vào đất trước khi trồng khoảng 10 - 15 ngày để tiêu diệt nấm bệnh và khử trùng đất.
- Nếu đất có độ chua cao, có thể bổ sung thêm tro trấu hoặc phân hữu cơ vi sinh để cải thiện độ pH, giúp đất có môi trường tốt hơn cho sự phát triển của cây.
2. Chuẩn bị cây giống và kỹ thuật trồng
Lựa chọn cây giống
Cây giống măng tây tốt nhất nên có chiều cao trên 60cm, bộ rễ phát triển khỏe mạnh với ít nhất 10-20 rễ dài. Cây giống được nhân giống bằng hạt hoặc từ rễ cây mẹ. Nếu bạn tự ươm hạt, quá trình này có thể kéo dài đến 3-4 tháng. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua cây giống đã được ươm sẵn từ các cơ sở uy tín thay vì tự ươm từ hạt.
Khoảng cách trồng
Măng tây là loại cây có thời gian sinh trưởng lâu năm và có bộ rễ phát triển mạnh. Vì vậy, việc đảm bảo khoảng cách trồng hợp lý là điều quan trọng giúp cây có đủ không gian để phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất cao.
- Khoảng cách giữa các cây: Mỗi cây nên cách nhau khoảng 40 - 50cm, giúp bộ rễ có đủ không gian phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa các cây. Nếu trồng quá dày, các cây sẽ phải tranh giành nguồn nước và chất dinh dưỡng, khiến cây phát triển yếu hơn.
- Khoảng cách giữa các hàng: Nếu trồng ngoài đất vườn, các hàng măng tây nên cách nhau 80cm để tạo không gian cho cây phát triển tán lá, đồng thời giúp thuận tiện hơn trong việc tưới nước, chăm sóc và thu hoạch. Nếu trồng trong chậu, hàng cách hàng có thể thu hẹp hơn, khoảng 45cm, do diện tích bị giới hạn.
- Trồng trong chậu gỗ chữ nhật: Khi trồng măng tây trong chậu, mỗi chậu có thể trồng khoảng 8 cây, tùy vào kích thước của chậu. Nên chọn chậu chữ nhật có chiều rộng tối thiểu 50cm và có hệ thống thoát nước tốt để tránh ngập úng.
Kỹ thuật trồng
Sau khi đã chuẩn bị đất trồng kỹ lưỡng, việc trồng cây cần được thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo cây nhanh bén rễ và phát triển tốt.
- Đào hố trồng: Trước khi trồng, cần đào hố có kích thước 30 x 30 x 30cm (dài x rộng x sâu) để tạo không gian đủ cho bộ rễ phát triển. Nếu trồng ngoài đất, nên tạo luống cao để tránh ngập úng vào mùa mưa.
- Đặt bầu cây vào hố trồng: Cẩn thận đặt bầu cây vào giữa hố, đảm bảo mặt bầu ngang với mặt đất hoặc thấp hơn 1 chút (5-7cm), không nên trồng quá sâu vì có thể khiến rễ cây bị nghẹt.
- Lấp đất nhẹ nhàng: Sau khi đặt bầu cây vào hố, lấp đất nhẹ nhàng xung quanh gốc để cố định cây. Đồng thời, phủ thêm một lớp đất mặt (5 - 10cm) lên cổ rễ để bảo vệ rễ cây khỏi ánh nắng trực tiếp.
- Tưới nước ngay sau khi trồng: Sau khi hoàn tất quá trình trồng, cần tưới nước ngay để giúp cây thích nghi nhanh với môi trường mới.
- Cắm cọc tre hoặc dây đỡ: Măng tây có thân mềm, dễ bị gió làm đổ ngã. Vì vậy, cần cắm cọc tre bên cạnh gốc và buộc nhẹ thân cây vào cọc để giữ cây đứng vững, tránh gãy đổ trong những ngày có gió mạnh.
3. Lưu ý khi chăm sóc
Giai đoạn cây phát triển (4 - 5 tháng đầu)
- Trong giai đoạn đầu, cây măng tây cần tập trung phát triển bộ rễ và thân. Đây là thời kỳ quan trọng để đảm bảo cây có sức sinh trưởng tốt và cho năng suất cao sau này.
- Định kỳ 15 ngày/lần, tiến hành tỉa bỏ những cây yếu, cây già hoặc cây bị sâu bệnh, giữ lại 4 - 6 cây mẹ khỏe mạnh để tập trung dinh dưỡng cho những cây này.
- Tỉa bớt cành lá phần gốc khoảng 40 - 50cm để tạo sự thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển.
- Phủ gốc bằng rơm rạ, trấu hoặc vỏ lạc để giữ độ ẩm, nhưng phải đảm bảo các vật liệu này đã được xử lý sạch để tránh nấm bệnh.
Giai đoạn từ tháng thứ 5 trở đi
- Khi cây mẹ có đường kính gốc >10mm và lá chuyển sang màu xanh đậm, đây là dấu hiệu cho thấy cây đang phát triển tốt.
- Thu bói từ tháng thứ 6 - 8 sau khi trồng, nhưng chỉ thu trong thời gian ngắn (2-3 tuần) để cây có thời gian phục hồi.
- Để cây phát triển mạnh hơn, nên cắt hạ ngọn cây ở độ cao 1,2m, giúp kích thích cây mẹ ra nhiều chồi măng hơn.
- Duy trì độ ẩm 60 - 70%. Không tưới nước sau 17h, vì chồi măng phát triển chủ yếu vào ban đêm, nếu cây bị dư nước vào thời điểm này có thể khiến măng bị cong vẹo, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Giai đoạn cây nghỉ đông (dưỡng cây)
- Khi bước vào giai đoạn nghỉ, cây cần giảm lượng nước tưới, ưu tiên phát triển bộ rễ để tích trữ dinh dưỡng cho vụ sau.
- Cắt tỉa các cây, giữ 4-6 cây măng mập đẹp nhất, không tiến hành thu hoạch các mầm mọc sau này.
- Tiếp tục bón phân hữu cơ để giúp cây phục hồi và chuẩn bị cho chu kỳ sinh trưởng tiếp theo.
4. Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ
Phòng bệnh
- Chọn giống măng tây sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.
- Xử lý đất kỹ trước khi trồng, sử dụng thuốc diệt tuyến trùng và chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm bệnh còn tồn tại trong đất.
- Đảm bảo đất luôn tơi xốp và thoát nước tốt, đặc biệt vào mùa mưa cần có phương án che chắn.
- Tăng cường bón phân hữu cơ để giúp đất khỏe, nâng cao sức đề kháng của cây.
- Phun phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học tự nhiên trong giai đoạn cây nghỉ dưỡng để chuẩn bị tốt nhất cho mùa thu hoạch sau.
Các bệnh thường gặp
- Sâu bệnh hại măng: Vào mùa mưa, măng tây rất dễ bị các bệnh như thán thư, mốc sương, phấn trắng, thối rễ, thối măng.
- Sâu hại măng tây: Các loại sâu đất, sâu khoang, sâu xanh, sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp là những kẻ thù thường gặp.
Cách xử lý
- Với các loại sâu hại, có thể theo dõi và bắt bằng tay – đây là cách an toàn nhất cho cây và môi trường.
- Nếu bệnh nhẹ, có thể sử dụng dung dịch tự chế như hỗn hợp baking soda để trị phấn trắng, hoặc dung dịch tỏi ớt để xua đuổi côn trùng.
- Khi tình hình bệnh trở nặng, cần sử dụng thuốc trừ sâu bệnh chuyên dụng. Nên ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc và vi sinh để đảm bảo an toàn thực phẩm.
5. Thu hoạch và bảo quản măng tây
- Thời điểm thu hoạch:
- Từ năm thứ 2 trở đi, măng tây có thể thu hoạch liên tục trong vòng 4-6 tuần, sau đó để cây nghỉ dưỡng.
- Thu hoạch măng vào sáng sớm trước khi mặt trời mọc để đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon của măng.
- Khi chồi măng đạt chiều cao khoảng 20cm, dùng tay nắm chặt phần gốc, nghiêng khoảng 30-45 độ rồi giật nhẹ để tách rời khỏi rễ.
- Bảo quản măng tây:
- Sau khi thu hoạch, không nên rửa măng ngay mà chỉ cần cắt gốc rồi cắm vào ly có chứa khoảng 3-6cm nước sạch, sau đó bọc đầu măng bằng túi nilon và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Măng tây nên được đặt theo chiều đứng trong tủ lạnh để giữ nguyên độ tươi.
Đang cập nhật bài viết