1. Lựa chọn đất trồng phù hợp Măng tây phát triển tốt nhất trên những loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt. Những loại đất thích hợp bao gồm: Đất phù sa: Giàu chất dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng mạnh. Đất thịt nhẹ: Đảm bảo khả năng giữ ẩm nhưng vẫn có độ thoát nước hợp lý. Đất cát pha: Giúp bộ rễ phát triển khỏe mạnh, không bị úng nước. Đất đỏ bazan: Chứa nhiều khoáng chất, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Ngoài ra, để giúp đất giàu dinh dưỡng hơn, bạn có thể cải tạo đất bằng cách bổ sung phân hữu cơ hoai mục, phân chuồng hoặc phân trùn quế trước khi trồng. Cần đảm bảo đất có độ pH từ 6,5 - 7,5 để cây phát triển tốt nhất. Măng tây ưa độ ẩm từ 40-50% nhưng lại không chịu úng ngập. Vì vậy, cần chuẩn bị nền đất cao ráo, có hệ thống thoát nước tốt để đảm bảo cây không bị úng rễ. Nếu trồng trong chậu, nên chọn chậu có độ sâu ít nhất 40cm để bộ rễ phát triển tốt. Cách bón lót làm như sau: Trộn đất với phân chuồng hoai mục (phân bò, phân gà hoặc phân trùn quế) để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Bón vôi bột vào đất trước khi trồng khoảng 10 - 15 ngày để tiêu diệt nấm bệnh và khử trùng đất. Nếu đất có độ chua cao, có thể bổ sung thêm tro trấu hoặc phân hữu cơ vi sinh để cải thiện độ pH, giúp đất có môi trường tốt hơn cho sự phát triển của cây. 2. Chuẩn bị cây giống và kỹ thuật trồng Lựa chọn cây giống Cây giống măng tây tốt nhất nên có chiều cao trên 60cm, bộ rễ phát triển khỏe mạnh với ít nhất 10-20 rễ dài. Cây giống được nhân giống bằng hạt hoặc từ rễ cây mẹ. Nếu bạn tự ươm hạt, quá trình này có thể kéo dài đến 3-4 tháng. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua cây giống đã được ươm sẵn từ các cơ sở uy tín thay vì tự ươm từ hạt. Khoảng cách trồng Măng tây là loại cây có thời gian sinh trưởng lâu năm và có bộ rễ phát triển mạnh. Vì vậy, việc đảm bảo khoảng cách trồng hợp lý là điều quan trọng giúp cây có đủ không gian để phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất cao. - Khoảng cách giữa các cây: Mỗi cây nên cách nhau khoảng 40 - 50cm, giúp bộ rễ có đủ không gian phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa các cây. Nếu trồng quá dày, các cây sẽ phải tranh giành nguồn nước và chất dinh dưỡng, khiến cây phát triển yếu hơn. - Khoảng cách giữa các hàng: Nếu trồng ngoài đất vườn, các hàng măng tây nên cách nhau 80cm để tạo không gian cho cây phát triển tán lá, đồng thời giúp thuận tiện hơn trong việc tưới nước, chăm sóc và thu hoạch. Nếu trồng trong chậu, hàng cách hàng có thể thu hẹp hơn, khoảng 45cm, do diện tích bị giới hạn. - Trồng trong chậu gỗ chữ nhật: Khi trồng măng tây trong chậu, mỗi chậu có thể trồng khoảng 8 cây, tùy vào kích thước của chậu. Nên chọn chậu chữ nhật có chiều rộng tối thiểu 50cm và có hệ thống thoát nước tốt để tránh ngập úng. Kỹ thuật trồng Sau khi đã chuẩn bị đất trồng kỹ lưỡng, việc trồng cây cần được thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo cây nhanh bén rễ và phát triển tốt. - Đào hố trồng: Trước khi trồng, cần đào hố có kích thước 30 x 30 x 30cm (dài x rộng x sâu) để tạo không gian đủ cho bộ rễ phát triển. Nếu trồng ngoài đất, nên tạo luống cao để tránh ngập úng vào mùa mưa. - Đặt bầu cây vào hố trồng: Cẩn thận đặt bầu cây vào giữa hố, đảm bảo mặt bầu ngang với mặt đất hoặc thấp hơn 1 chút (5-7cm), không nên trồng quá sâu vì có thể khiến rễ cây bị nghẹt. - Lấp đất nhẹ nhàng: Sau khi đặt bầu cây vào hố, lấp đất nhẹ nhàng xung quanh gốc để cố định cây. Đồng thời, phủ thêm một lớp đất mặt (5 - 10cm) lên cổ rễ để bảo vệ rễ cây khỏi ánh nắng trực tiếp. - Tưới nước ngay sau khi trồng: Sau khi hoàn tất quá trình trồng, cần tưới nước ngay để giúp cây thích nghi nhanh với môi trường mới. - Cắm cọc tre hoặc dây đỡ: Măng tây có thân mềm, dễ bị gió làm đổ ngã. Vì vậy, cần cắm cọc tre bên cạnh gốc và buộc nhẹ thân cây vào cọc để giữ cây đứng vững, tránh gãy đổ trong những ngày có gió mạnh. 3. Lưu ý khi chăm sóc Giai đoạn cây phát triển (4 - 5 tháng đầu) - Trong giai đoạn đầu, cây măng tây cần tập trung phát triển bộ rễ và thân. Đây là thời kỳ quan trọng để đảm bảo cây có sức sinh trưởng tốt và cho năng suất cao sau này. - Định kỳ 15 ngày/lần, tiến hành tỉa bỏ những cây yếu, cây già hoặc cây bị sâu bệnh, giữ lại 4 - 6 cây mẹ khỏe mạnh để tập trung dinh dưỡng cho những cây này. - Tỉa bớt cành lá phần gốc khoảng 40 - 50cm để tạo sự thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển. - Phủ gốc bằng rơm rạ, trấu hoặc vỏ lạc để giữ độ ẩm, nhưng phải đảm bảo các vật liệu này đã được xử lý sạch để tránh nấm bệnh. Giai đoạn từ tháng thứ 5 trở đi - Khi cây mẹ có đường kính gốc >10mm và lá chuyển sang màu xanh đậm, đây là dấu hiệu cho thấy cây đang phát triển tốt. - Thu bói từ tháng thứ 6 - 8 sau khi trồng, nhưng chỉ thu trong thời gian ngắn (2-3 tuần) để cây có thời gian phục hồi. - Để cây phát triển mạnh hơn, nên cắt hạ ngọn cây ở độ cao 1,2m, giúp kích thích cây mẹ ra nhiều chồi măng hơn. - Duy trì độ ẩm 60 - 70%. Không tưới nước sau 17h, vì chồi măng phát triển chủ yếu vào ban đêm, nếu cây bị dư nước vào thời điểm này có thể khiến măng bị cong vẹo, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Giai đoạn cây nghỉ đông (dưỡng cây) - Khi bước vào giai đoạn nghỉ, cây cần giảm lượng nước tưới, ưu tiên phát triển bộ rễ để tích trữ dinh dưỡng cho vụ sau. - Cắt tỉa các cây, giữ 4-6 cây măng mập đẹp nhất, không tiến hành thu hoạch các mầm mọc sau này. - Tiếp tục bón phân hữu cơ để giúp cây phục hồi và chuẩn bị cho chu kỳ sinh trưởng tiếp theo. 4. Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ Phòng bệnh - Chọn giống măng tây sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. - Xử lý đất kỹ trước khi trồng, sử dụng thuốc diệt tuyến trùng và chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm bệnh còn tồn tại trong đất. - Đảm bảo đất luôn tơi xốp và thoát nước tốt, đặc biệt vào mùa mưa cần có phương án che chắn. - Tăng cường bón phân hữu cơ để giúp đất khỏe, nâng cao sức đề kháng của cây. - Phun phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học tự nhiên trong giai đoạn cây nghỉ dưỡng để chuẩn bị tốt nhất cho mùa thu hoạch sau. Các bệnh thường gặp - Sâu bệnh hại măng: Vào mùa mưa, măng tây rất dễ bị các bệnh như thán thư, mốc sương, phấn trắng, thối rễ, thối măng. - Sâu hại măng tây: Các loại sâu đất, sâu khoang, sâu xanh, sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp là những kẻ thù thường gặp. Cách xử lý - Với các loại sâu hại, có thể theo dõi và bắt bằng tay – đây là cách an toàn nhất cho cây và môi trường. - Nếu bệnh nhẹ, có thể sử dụng dung dịch tự chế như hỗn hợp baking soda để trị phấn trắng, hoặc dung dịch tỏi ớt để xua đuổi côn trùng. - Khi tình hình bệnh trở nặng, cần sử dụng thuốc trừ sâu bệnh chuyên dụng. Nên ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc và vi sinh để đảm bảo an toàn thực phẩm. 5. Thu hoạch và bảo quản măng tây Thời điểm thu hoạch: Từ năm thứ 2 trở đi, măng tây có thể thu hoạch liên tục trong vòng 4-6 tuần, sau đó để cây nghỉ dưỡng. Thu hoạch măng vào sáng sớm trước khi mặt trời mọc để đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon của măng. Khi chồi măng đạt chiều cao khoảng 20cm, dùng tay nắm chặt phần gốc, nghiêng khoảng 30-45 độ rồi giật nhẹ để tách rời khỏi rễ. Bảo quản măng tây: Sau khi thu hoạch, không nên rửa măng ngay mà chỉ cần cắt gốc rồi cắm vào ly có chứa khoảng 3-6cm nước sạch, sau đó bọc đầu măng bằng túi nilon và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Măng tây nên được đặt theo chiều đứng trong tủ lạnh để giữ nguyên độ tươi.
I. Thời điểm cắt tỉa - Cây đang sinh trưởng và phát triển Khi cây măng tây có nhiều hơn 4 cây mẹ là có thể tỉa cây, tỉa cành măng tây. Vì mỗi bụi măng tây chỉ nên để lại 3-4 cây mẹ khoẻ nhất; còn những cây nhỏ yếu, gãy đổ, có dấu hiệu sâu bệnh thì chúng ta tỉa bỏ. Cắt bỏ những cây nhỏ yếu còn giúp cây tập trung năng lượng, kích thích mầm mới mọc lên. Chỉ cần bốn cây mẹ có lá kim là đủ để một bụi măng tây quang hợp, tổng hợp chất dinh dưỡng. Mầm sau lên sẽ to khoẻ hơn mầm trước, nhờ thế cây măng tây sẽ ngày một lớn. Ngoài ra, cắt tỉa những cành lá kim bị sâu bệnh, bị già (chuyển sang màu nâu). - Cây cần nghỉ dưỡng sau thu hoạch Sau khoảng 2-3 tháng thu hoạch, bụi măng tây cần được nghỉ ngơi để phục hồi. Bạn cũng có thể nhận biết thời điểm này khi thấy cây có dấu hiệu già đi, lá bắt đầu vàng. Khi đó, hãy cắt tỉa bớt cây để giúp bụi măng nghỉ ngơi. Trong giai đoạn này, chỉ nên thu hoạch những chồi măng nhỏ, cong (loại 2, 3) và giữ lại các mầm to để cây tiếp tục phát triển. II. Kỹ thuật cắt tỉa Công cụ cần thiết: Sử dụng dao hoặc kéo cắt tỉa có lưỡi sắc và sạch. Điều này giúp cắt chính xác, tránh làm dập nát thân măng và giảm nguy cơ lây lan bệnh. Trước và sau khi cắt tỉa, nên rửa sạch và phơi khô dụng cụ cắt, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết ẩm ướt. - Cây đang sinh trưởng và phát triển Cắt chồi măng sao cho chừa lại một đoạn cách mặt đất 7-10 cm để bảo vệ hệ rễ. Thân măng tây chứa nhiều đạm, nếu cắt sát gốc và để phần còn lại trong đất tự phân hủy, nó có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật và nấm bệnh phát triển, gây hại cho toàn bộ hệ rễ. Vì vậy, sau khi cắt, hãy để lại một đoạn thân măng trên mặt đất và chờ 5-7 ngày cho phần này khô héo. Khi đó, ta có thể dùng tay nhổ mạnh để lấy cả phần gốc ra khỏi đất. Nếu nhổ ngay khi gốc còn tươi, đặc biệt với những cây măng lớn, độ bám rễ sẽ rất chắc, dễ làm tổn thương bụi măng. Do đó, đợi cho thân khô héo trước khi nhổ sẽ giúp bảo vệ bộ rễ tốt hơn. - Cây cần nghỉ dưỡng sau thu hoạch Khi cắt cành để cây măng tây nghỉ dưỡng, cần cắt bỏ hoàn toàn cây mẹ, chỉ giữ lại những mầm măng loại 1 đang mọc lên. Tuy nhiên, không nên cắt sát mặt đất mà nên chừa lại khoảng 10-15 cm thân cây trên mặt đất. Lý do là ngay sau khi cắt, cây mẹ vẫn rất cứng, khó có thể nhổ lên. Nếu cố nhổ ngay, có thể làm bật cả phần rễ dưới đất, gây tổn thương hệ rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập. Thay vào đó, hãy để phần gốc còn lại tự khô héo trong 1-2 tuần, sau đó mới nhổ lên. Cách này không chỉ giúp bảo vệ bộ rễ mà còn kích thích cây ra mầm mới. Ngoài ra, trong quá trình cắt tỉa cành, cũng nên kết hợp nhổ cỏ dại để giữ cho cây phát triển tốt hơn. III. Chăm sóc dinh dưỡng cho cây trong giai đoạn cắt tỉa Khử khuẩn đất & diệt sâu Trước tiên, cần khử khuẩn đất và kết hợp diệt sâu bằng các loại thuốc sinh học. Hãy pha loãng thuốc và dùng để tưới gốc, giúp bảo vệ cây khỏi sâu bệnh. Bón phân Trong giai đoạn này, nên bón phân thường xuyên hơn, khoảng 10 ngày một lần. Mỗi lần bón, sử dụng phân hữu cơ hoai mục, mỗi gốc khoảng một nắm tay là đủ. Dinh dưỡng bổ sung Dịch trùn quế: Giúp cây măng tây phát triển mạnh, kích thích mầm mới mọc nhanh và nhiều hơn. Rỉ mật ủ với EM gốc: Hỗ trợ tăng hệ vi sinh trong đất, giúp cải thiện độ màu mỡ. Hai loại này nên tưới luân phiên mỗi 5 ngày một lần. Theo dõi cây thường xuyên Quan sát tình trạng cây để phát hiện sớm dấu hiệu sâu bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng. Nếu thấy bất thường, cần có biện pháp xử lý kịp thời. Phủ lớp hữu cơ Sau khi cắt tỉa, phủ một lớp hữu cơ (như rơm, lá khô hoặc phân hữu cơ) lên luống măng tây. Lớp phủ này giúp điều chỉnh nhiệt độ đất, giữ ẩm và ngăn chặn cỏ dại, tạo môi trường thuận lợi cho cây phát triển. IV. Nuôi cây mẹ sau khi cắt tỉa Sau mỗi đợt thu hoạch, cần để cây mẹ phát triển để đảm bảo măng tiếp tục ra đều và khỏe mạnh. Chọn cây mẹ Tiêu chí chọn cây mẹ: Chọn những cây khỏe, thân to, ít sâu bệnh. Số lượng cây mẹ: Duy trì 3-5 cây mẹ/m² để nuôi dưỡng rễ và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Chăm sóc cây mẹ theo hữu cơ ✔️ Bón phân hữu cơ Sau khi ngừng thu hoạch: Bón phân trùn quế, phân chuồng hoai mục (bò, gà, dê), khoảng 5-7kg/m². Hàng tháng: Bổ sung đạm cá, dịch chuối hoặc đậu tương ủ hoai để cây phát triển bền vững. Sau mỗi lần cắt tỉa: Bón phân vi sinh hoặc tro trấu để cung cấp khoáng chất tự nhiên. ✔️ Tưới nước Mùa khô: Tưới 2 lần/ngày (sáng sớm, chiều mát). Mùa mưa: Giảm tần suất tưới, tránh để cây bị úng. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để duy trì độ ẩm mà không làm đất quá ướt. ✔️ Cắt tỉa lá già Cắt bỏ lá vàng úa, lá bị sâu bệnh để giữ cây thông thoáng. Khi cây mẹ quá rậm rạp, tỉa bớt cây mẹ để giúp bụi cây tập trung dinh dưỡng nuôi rễ. Dùng kéo sắc đã rửa sạch và phơi khô để cắt tỉa cành lá, giúp cây giảm nguy cơ nhiễm bệnh hại. ✔️ Phòng trừ sâu bệnh hữu cơ Bọ trĩ, rầy mềm, sâu xanh → Phun dung dịch tỏi + ớt + gừng ngâm rượu. Bệnh nấm, vàng lá → Phun nước vôi trong hoặc chế phẩm sinh học EM 7-10 ngày/lần. Sâu đất, tuyến trùng → Rải bột neem, bã cà phê hoặc tro bếp quanh gốc. V. Khi nào cần trồng lại măng tây? Sau 5-7 năm, cây mẹ suy yếu, măng nhỏ dần. Lúc này cần luân canh, cải tạo đất và trồng lại lứa cây mới từ hạt hoặc hom giống.
Bộ rễ của cây măng tây một năm tuổi, được đào lên cẩn thận và bán cho khách hàng mà không cần kèm đất, luôn sẵn sàng để trồng lại vào vườn mới. Mặc dù măng tây có thể được trồng thành công từ hạt, nhưng việc bắt đầu bằng cách trồng từ bộ rễ giúp bạn có thể thu hoạch sớm hơn 1-2 năm. Ngọn măng mọc lên từ bộ rễ cứng cáp hơn so với cây con và sẽ phát triển trong luống rau của bạn dễ dàng hơn, giúp bạn giảm bớt phần lớn khó khăn khi trồng loại rau đôi khi thất thường này. Chọn vị trí trồng Cây măng tây có thể sống được 15 năm hoặc hơn nhưng chúng ghét bị di chuyển nhiều, vì vậy bạn cần chọn một vị trí trồng cố định trong vườn nơi chúng có thể phát triển mà không bị xáo trộn. Đó phải là một nơi có nhiều nắng với đất sâu, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt để cung cấp cho hệ thống rễ rộng lớn nhiều không gian phát triển. Hãy lên luống trồng cao hơn khoảng 30 cm so với mặt đất vườn, luống là hỗn hợp đất thịt pha cát và thật nhiều phân chuồng ủ hoai mục. Mỗi bộ rễ được trồng cách nhau khoảng 40cm, để chừa chỗ cho những ngọn lá kim sinh sôi và phát triển sau này. Trồng bộ rễ măng tây (crown) Rễ măng tây thích nhiều phân ủ hữu cơ hoặc phân bò ủ hoai mục được trộn vào luống trước khi trồng. Nếu có, phân hữu cơ nấm đã ủ hoai mục là lựa chọn tuyệt vời vì độ pH tự nhiên của nó phù hợp với măng tây, nhưng bất kỳ vật liệu hữu cơ giàu dinh dưỡng nào khác cũng tốt. Ngoài ra, hãy dọn sạch cỏ dại trên luống trước khi trồng rễ măng tây. Kiểm soát cỏ dại là điều cần thiết lâu dài đối với măng tây, vì vậy hãy tạo cho cây ít sự cạnh tranh nhất có thể ngay từ đầu. Nên trồng bộ rễ măng tây vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Đối với mỗi gốc, đào một hố sâu 30cm, tạo một gò đất cao ở giữa. Gò đất phải đủ cao để sau khi đặt bộ rễ lên đỉnh gò đất, và ta đổ thêm đất và phân vào hố, thì bộ rễ phải được đảm bảo không bị nằm quá sâu so với bề mặt luống. Đặt từng sợi rễ lên gò đất, trải đều các sợi rễ ra để tạo thành hình dạng giống bạch tuộc sống trong đất. Lấp đầy lỗ, đảm bảo phần đỉnh bộ rễ - nơi sẽ mọc lên mầm măng - nằm ngay dưới bề mặt hoặc chỉ nhô ra ngoài mặt luống đất một chút. Sau khi trồng hãy tưới nước đầy đủ. Nếu có thể hãy thêm một lớp phủ bằng cỏ khô hoặc phân trộn sẽ giúp giữ độ ẩm trong đất và ngăn chặn cỏ dại. Thu hoạch măng tây Măng tây trồng tại nhà là một loại rau có thể đền đáp sự kiên nhẫn. Trong đợt sinh trưởng đầu tiên, nó sẽ mọc những ngọn măng đầu tiên từ bộ rễ măng, nhưng điều quan trọng là không được thu hoạch những ngọn măng này, bất kể chúng có hấp dẫn đến đâu, hãy để chúng phát triển thành những tán lá kim. Bởi vì, cây cần phải dồn toàn bộ năng lượng vào việc hồi phục hệ thống rễ khỏe mạnh và những tán lá kim cao tới 150cm sẽ quang hợp góp phần tổng hợp ra năng lượng đó. Lưu ý, khi một số tán lá chuyển sang màu vàng, có nghĩa là chúng đã già, hãy nhớ cắt bỏ. Những tán lá kim càng phát triển càng trở nên nặng chĩu, không thể tự đứng thẳng nên bạn cần hỗ trợ chúng bằng giàn hoặc cọc đỡ trong suốt mùa sinh trưởng. Mùa xuân năm sau, bạn có thể bắt đầu thu hoạch khoảng một nửa số măng mọc lên và để phần còn lại phát triển thành tán lá đầy đủ. Khi thu hoạch, cắt ngang thân của ngọn măng non tại vị trí ngay dưới mặt đất bằng dao sắc. Đối với mỗi năm tiếp theo, bạn có thể thu hoạch tới 80% lượng măng mọc ra, nhớ là luôn để số măng còn lại phát triển thành lá kim, nhằm duy trì năng lượng cho cây trong mùa sinh trưởng tiếp theo. Dù cây của bạn có ra bao nhiêu ngọn, hãy chỉ thu hoạch những ngọn non nhất và mềm nhất để thưởng thức chúng ở trạng thái tốt nhất, vì chúng sẽ ngày càng cứng và ít ngọt hơn theo thời gian. Chăm sóc liên tục Với sự chăm sóc và chú ý đúng cách, một cây măng tây có thể cho thu hoạch trong gần hai thập kỷ. Điểm quan trọng là phải giữ cho luống được tưới nước đầy đủ trong suốt những tháng hè nóng bức, ngay cả khi không phải thời kỳ măng mọc, và cũng phải tích cực kiểm soát cỏ dại để đảm bảo măng tây của bạn không bị cản trở bởi sự cạnh tranh. Vào cuối mỗi mùa sinh trưởng, hãy cắt bớt phần lá già màu vàng và phủ một lớp phân trộn lên luống để bổ sung độ phì nhiêu và bảo vệ rễ cây khỏi thời tiết thất thường. Măng tây mới thu hoạch là một loại thực phẩm xa xỉ không dễ dàng tìm thấy ở các kệ hàng của siêu thị. Hãy tự trồng và bạn sẽ được thưởng thức thành quả của mình.
Không phải tự nhiên mà hạt giống măng tây F1 có xuất xứ từ Hà Lan có giá bán cao nhất trên thị trường hiện nay. Các giống măng này là sự lựa chọn tốt nhất với tỷ lệ hạt nảy mầm 99%, mầm măng mọc nhanh, cây con sinh trưởng nhanh hơn hẳn các giống từ Mỹ, Đài Loan, Nhật, Thái Lan,... Năng suất và chất lượng, đặc biệt là tỷ lệ măng loại 1 cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là tốt nhất trên thị trường. Tại Hà Lan, hạt măng tây sau khi lấy sẽ phải trải qua quy trình chọn lọc nghiêm ngặt tại các nhà máy, do vậy các hạt măng có kích cỡ đồng đều, và đảm bảo tỷ lệ nảy mầm gần như 100% với toàn bộ là hạt giống đực. Hạt giống Sunlim có kích cỡ đồng đều, được bọc một lớp thuốc màu vàng chanh giúp ngăn mối mọt và kích thích hạt nhanh nảy mầm Trong khi đó hạt giống măng tây có nguồn gốc từ các quốc gia khác, quy trình chọn lọc có thể bỏ lọt khoảng 20-30% hạt giống cái. Nếu bạn chưa biết thì măng tây giống cái sẽ cho năng suất và sản lượng măng kém hơn giống đực, do cây phải tập trung năng lượng đi nuôi dưỡng quả. Một số giống măng Hà Lan phổ biến trên thị trường hiện nay có thể kể đến như Radius, Sunlim, Atticus,... Với nguồn gen ưu việt như vậy, năng suất và chất lượng của hạt giống măng tây F1 của Hà Lan vượt trội so với Mỹ. Tuy nhiên măng Hà Lan đang có dấu hiệu hụt hơi trên đường đua về khả năng thích nghi khí hậu, măng Mỹ sống tốt hơn chúng khi được trồng ở vùng khí hậu nóng (như miền Nam Việt Nam). Ví dụ dòng Sumlim F1 của Hà Lan khi nhiệt độ môi trường càng cao thì năng suất giảm nhẹ và tỉ lệ măng loại nở búp cũng tăng. Chúng tôi nhận thấy các giống măng Hà Lan thích hợp trồng tại các farm thuộc miền bắc và miền trung. Khi chúng tôi trồng Radius tại Farm ở Hà Nội, với khí hậu và kỹ thuật canh tác phù hợp, những ngọn măng có thể đạt đường kính hơn 20mm. Cây sinh trưởng mạnh mẽ, bộ rễ phát triển mọc dài. Đó thật sự là bất ngờ lớn. Trong ảnh là măng Radius có đường kính trên 20mm - Ưu điểm của măng tây Radius Đứng đầu bảng về chất lượng giống là măng tây Radius được công ty Bejo, Hà Lan sản xuất. Tên giống Radius (bán kính) nói lên đây là giống cho măng tây có kích thước lớn, cho tỉ lệ măng tây loại 1 rất nhiều. Radius cũng là giống măng cho thu sớm và năng suất rất cao. Giống măng tây Radius có một số đặc điểm: + Cam kết 100% hạt giống đực + Búp măng đóng chặt + Rất phù hợp với khí hậu miền Bắc Việt Nam + Cho thu hoạch sớm, năng suất cao và ổn định + Khả năng sinh trưởng mạnh mẽ + Thích hợp cả cho việc trồng bằng cây con hoặc gốc rễ + Có một chút màu tím trên đầu ngọn và vảy chồi (Chứa lượng Anthocyanin vừa phải ở đầu ngọn) + Đường kính thân măng trung bình từ 12-20mm, kích thước măng đồng đều, măng loại 1 chiếm 70-80% sản lượng thu hoạch + Hương vị đậm, giòn ngọt + Khả năng kháng bệnh tương đối tốt đối với bệnh gỉ sắt, Botrytis và Stemphyllium; miễn dịch với AV II Trọng lượng 1 ngọn măng Radius - Ưu điểm của măng tây Sunlim Sunlim là giống măng tây xanh được công ty Limgroup, Hà Lan sản xuất. Mặc dù không phải là giống có kích thước măng tây lớn nhất trong các giống của Limgroup, Sunlim vẫn dẫn đầu về năng suất. Sunlim có một số đặc điểm sau: + 100% hạt giống đực + Búp măng đóng chặt + Phù hợp dải khí hậu rộng, từ mát lạnh đến ấm áp. Tuy nhiên khó sinh trưởng tại vùng khí hậu nóng. + Mùa vụ thu hoạch lâu dài + Năng suất và chất lượng cao, ổn định + Thích hợp cả cho việc trồng bằng cây con hoặc gốc rễ + Có một chút màu tím trên đầu ngọn và vảy chồi + Đường kính thân măng trên 12 mm, kích thước măng đồng đều, măng loại 1 chiếm 70-80% sản lượng thu hoạch + Hương vị thơm, giòn ngọt + Khả năng chống chịu tốt với các bệnh trên thân lá, miễn dịch với AV II Măng Sunlim có chất lượng đồng đều, trên 70% măng loại 1 Bạn có thể đặt mua hạt giống măng tây qua website này hoặc gọi đến hotline: 0904678676. Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn một cách chính xác về mọi thứ cần làm để có một vườn măng tây khoẻ mạnh. Bạn có thể nhận hàng tại nhà thông qua chuyển phát nhanh hoặc nhà xe vận chuyển.
Măng tây là một loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu dược tính và có lợi cho sức khỏe. Với khả năng chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng, măng tây được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, do măng tây có nguồn gốc từ các nước ôn đới, khi trồng ở Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, năng suất thường không cao. Vì thế, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã đẩy mạnh mô hình trồng măng tây công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả. Điển hình là các mô hình trồng măng tây trong nhà màng và nhà kính. Sự cần thiết của việc sử dụng nhà kính, nhà màng trong trồng măng tây Măng tây là cây thân thảo nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết bất lợi và sâu bệnh tấn công. Vì vậy, nhà kính tạo ra môi trường lý tưởng để loại cây này phát triển. Không cần nhiều nhân công như khi làm vườn ngoài trời, các thông số về nhiệt độ và độ ẩm trong nhà kính đều được gửi tới chủ vườn qua điện thoại di động. Chỉ cần một cuộc gọi, chủ vườn có thể điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm cho diện tích trồng măng tây rộng hàng nghìn mét vuông. Ví dụ, người ta có thể lắp đặt vào máy bơm nước một thiết bị tích hợp thẻ SIM; mỗi cuộc gọi nhỡ tới thiết bị sẽ tắt hoặc bật máy bơm từ xa, giúp quản lý hệ thống tưới tiêu hiệu quả. Khi trồng ngoài vườn, măng tây thường bị toẽ đầu do thời tiết không ổn định, khiến măng bị cong queo, nở hoa, và trông già hơn so với măng trồng trong nhà kính. Trong hai năm đầu, thu hoạch măng ngoài vườn có thể tốt, nhưng từ năm thứ ba trở đi, mưa gió sẽ làm ngọn măng cong queo, chất lượng thu hoạch giảm. Trong nhà kính, nhiệt độ và độ ẩm được điều chỉnh ở mức độ tối ưu và cỏ dại cũng được hạn chế. Vì vậy, để măng tây cho năng suất cao, người trồng chỉ cần chú trọng vào vấn đề dinh dưỡng. Kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây Việc đầu tư một hệ thống tưới tiêu cho vườn măng tây trong nhà kính rất quan trọng cho sự sinh trưởng của măng. Hệ thống sẽ đo đạc nhiệt độ, độ ẩm, gửi thông báo đến người nông dân, từ đó nhận lệnh thông qua cuộc gọi để bắt đầu mở máy bơm, lấy nước từ bể chứa, dòng nước đi theo các đường ống nhựa để tưới nhỏ giọt cho măng tây khắp vườn. Lưu ý vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, phải tưới phun mưa lên mái nhà kính nhằm làm mát không khí trong vườn. Ưu điểm của hệ thống tưới nhỏ giọt là tiết kiệm nước và nó tưới rất tập trung vào gốc cây. Măng tây rất cần nước nhưng nếu không tiêu thoát được nước thì bộ rễ phát triển rất kém. Măng tây giống đực được ưu tiên trồng hơn cả, vì măng đực chỉ ra hoa, măng cái ra cả quả, măng cái phải tập trung năng lượng sản xuất quả nên khả năng mọc măng không tốt như măng đực. Nhiệt độ phát triển tối ưu của măng tây là 18-25 độ C Thời vụ trồng: Nếu gieo hạt vào tháng hai dương lịch thì đến tháng 4 – 5 bắt đầu trồng cây măng giống vào vườn, chăm sóc trong khoảng 8- 9 tháng là bắt đầu được thu hoạch. Thổ nhưỡng để trồng cây khắt khe: đất pha 30-40% cát trồng măng tây rất tốt, đất thông thoáng, thoát nước tốt, trồng với phân hữu cơ. Bởi rễ măng cắm vào đất rất sâu, có thể lên tới hơn mét, nên nếu đất trồng ngập úng thì rễ măng sẽ bị thối. Trồng măng tây phải lên luống, tạo rãnh giữa các hàng măng tây để đất thoát nước tốt. Không thể trồng ở đất ruộng thông thường, đất ngập úng. Mật độ trồng: trồng các bụi măng cách nhau khoảng 30cm và hàng măng cách nhau khoảng hơn 1m. Làm giàn đỡ măng tây, vì măng tây có lá kim, thân mềm yếu nên cần giàn đỡ. Mỗi bụi măng để khoảng 4 cây trưởng thành, còn lại thu hoạch măng. Trong 1 bụi măng, cây măng sau 60-70 ngày sẽ già chết, thì ta sẽ tiếp tục để lại không thu hoạch 1 mầm măng, để nó trưởng thành nhằm bổ sung số lượng cây trong bụi (đủ 4 cây một bụi). Măng tây có thể mắc một số loại bệnh, ví dụ như bệnh khô vằn, nhưng bệnh này chưa thể gây ra tình trạng nghiêm trọng cho vườn măng tây. Tuy nhiên sâu xanh, sâu đen ăn trực tiếp vào cây măng, phải dùng các chế phẩm sinh học để ngăn chặn. Thực tế ở trong nhà kính, phân bón cũng được kiểm soát, phân không bị thất thoát, trôi mòn do mưa. Đất trồng tơi xốp, được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ, thường là phân bò ủ hoai mục – loại phân đặc biệt phù hợp sự sinh trưởng và phát triển của măng tây. Phân hữu cơ được bón 1 lớp dày khoảng 30cm cho măng trong nhà kính. Ba phần tư khoảng thời gian phát triển của măng tây đều nằm trong đất, vì thế đất trồng măng tây phải là đất nhẹ tơi xốp, phì nhiêu và giàu mùn, phân hữu cơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu này. Phân này thúc đẩy sinh trưởng cho cây, tăng sản lượng, chất lượng, thời gian cho thu hoạch của măng. Sử dụng phân hoá học thì đất sẽ bị chai. Thu hoạch măng tây Măng tây là loại cây trồng quang năm, nhưng chỉ cho thu hoạch bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài trong 6 tháng, sau 3 tháng thu hoạch, người trồng sẽ để cây nghỉ từ 20- 30 ngày và sau đó thu hoạc tiếp. Đặc thù của măng là chỉ thu buổi sáng, tức là trước khi mặt trời mọc măng rất là mềm, nếu như có ánh sáng mặt trời chiếu vào măng rất là cứng. Lợi nhuận từ việc trồng măng tây trong nhà kính Măng tây là cây trồng khó tính, nhạy cảm thời tiết, nên điều kiện khí hậu thất thường ở miền Bắc là bất lợi. Một chủ vườn tại Phú Xuyên đã quyết định đầu tư chi phí cao, 300 nghìn/ 1 mét vuông nhà kính, với 300m vuông nhà kính đầu tư hết tổng 900 triệu đồng, độ bền của nhà kính có thể lên tới 30 năm. Chưa kể chi phí đầu tư cây giống. Măng tây là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, một lần đầu tư cây giống có thể trồng cho thu hoạch 8-10 năm nhưng bắt đầu người trồng cũng cần một khoản đầu tư không nhỏ. Nếu măng giống rơi vào khoảng 15 nghìn một cây thì chi phí đầu tư cây giống cho một 1 héc ta đất trồng rơi vào khoảng 300 triệu. 1 héc ta cũng mất khoảng 50-60 triệu tiền lắp hệ ống nhỏ giọt tưới nước, và còn chưa kể các chi phí khác như phân gio, chế phẩm sinh học, bẫy côn trùng,... Năm đầu tiên trồng măng tây, chủ vườn đã đầu tư tổng toàn bộ các chi phí hết khoảng 2 tỷ cho 3000m vuông nhà kính trồng măng. Vậy nên khi xây dựng một nhà màng/ nhà kính trồng măng tây, hai việc quan trọng là nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và có nguồn lực tài chính vững vàng. Chính quyền có thể tạo điều kiện mời các chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn bà con cách trồng. Trung bình mỗi ngày chủ vườn thu hoạch đc 30-50kg măng/ 3000m vuông trồng, giá măng tây hiện là 100-200 nghìn/kg. Bình quân 1 năm gia đình ông thu về khoảng 800 triệu, sau khi trừ chi phí sản xuất thì sau khoảng 2 năm ông có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lãi. Trong khi đó với mô hình trồng truyền thống, chi phí rẻ hơn nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, năng xuất thu hoạch ước tính chỉ bằng một phần tư so với trồng trong nhà kính. Số lượng măng loại một trong nhà kính rơi vào khoảng 90%, cây măng đẹp, búp măng bó chặt. Trong nhà kính, măng loại 1 siêu mập có thể chỉ cần thu 12-15 ngọn cho một bó nặng 1 kg, loại thân nhỏ hơn một chút rơi vào khoảng 25-30 ngọn cho 1 kg. Thế nhưng trồng ngoài vườn truyền thống, có thể cần đến 50 ngọn mới đủ 1 kg. Măng loại 1 đường kính thân từ 12mm trở lên, măng loại 2 đường kính thân từ 8-12 mm, măng loại 3 đường kính dưới 8mm. Cây măng tây là cây trồng có giá trị kinh tế cao tại địa phương, bởi chỉ mất công trồng cây giống trong 1 năm mà cho thu hoạch gần 10 năm liên tục. Điều đặc biệt là thị trường tiêu thụ hiện đang mở rộng.
Đang cập nhật bài viết