Hướng dẫn cắt tỉa măng tây và nuôi cây mẹ
08/03/2025 |
I. Thời điểm cắt tỉa
- Cây đang sinh trưởng và phát triển
Khi cây măng tây có nhiều hơn 4 cây mẹ là có thể tỉa cây, tỉa cành măng tây. Vì mỗi bụi măng tây chỉ nên để lại 3-4 cây mẹ khoẻ nhất; còn những cây nhỏ yếu, gãy đổ, có dấu hiệu sâu bệnh thì chúng ta tỉa bỏ.
Cắt bỏ những cây nhỏ yếu còn giúp cây tập trung năng lượng, kích thích mầm mới mọc lên. Chỉ cần bốn cây mẹ có lá kim là đủ để một bụi măng tây quang hợp, tổng hợp chất dinh dưỡng. Mầm sau lên sẽ to khoẻ hơn mầm trước, nhờ thế cây măng tây sẽ ngày một lớn.
Ngoài ra, cắt tỉa những cành lá kim bị sâu bệnh, bị già (chuyển sang màu nâu).
- Cây cần nghỉ dưỡng sau thu hoạch
Sau khoảng 2-3 tháng thu hoạch, bụi măng tây cần được nghỉ ngơi để phục hồi. Bạn cũng có thể nhận biết thời điểm này khi thấy cây có dấu hiệu già đi, lá bắt đầu vàng. Khi đó, hãy cắt tỉa bớt cây để giúp bụi măng nghỉ ngơi.
Trong giai đoạn này, chỉ nên thu hoạch những chồi măng nhỏ, cong (loại 2, 3) và giữ lại các mầm to để cây tiếp tục phát triển.
II. Kỹ thuật cắt tỉa
- Công cụ cần thiết:
Sử dụng dao hoặc kéo cắt tỉa có lưỡi sắc và sạch. Điều này giúp cắt chính xác, tránh làm dập nát thân măng và giảm nguy cơ lây lan bệnh.
Trước và sau khi cắt tỉa, nên rửa sạch và phơi khô dụng cụ cắt, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết ẩm ướt.
- Cây đang sinh trưởng và phát triển
Cắt chồi măng sao cho chừa lại một đoạn cách mặt đất 7-10 cm để bảo vệ hệ rễ. Thân măng tây chứa nhiều đạm, nếu cắt sát gốc và để phần còn lại trong đất tự phân hủy, nó có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật và nấm bệnh phát triển, gây hại cho toàn bộ hệ rễ.
Vì vậy, sau khi cắt, hãy để lại một đoạn thân măng trên mặt đất và chờ 5-7 ngày cho phần này khô héo. Khi đó, ta có thể dùng tay nhổ mạnh để lấy cả phần gốc ra khỏi đất. Nếu nhổ ngay khi gốc còn tươi, đặc biệt với những cây măng lớn, độ bám rễ sẽ rất chắc, dễ làm tổn thương bụi măng. Do đó, đợi cho thân khô héo trước khi nhổ sẽ giúp bảo vệ bộ rễ tốt hơn.
- Cây cần nghỉ dưỡng sau thu hoạch
Khi cắt cành để cây măng tây nghỉ dưỡng, cần cắt bỏ hoàn toàn cây mẹ, chỉ giữ lại những mầm măng loại 1 đang mọc lên. Tuy nhiên, không nên cắt sát mặt đất mà nên chừa lại khoảng 10-15 cm thân cây trên mặt đất.
Lý do là ngay sau khi cắt, cây mẹ vẫn rất cứng, khó có thể nhổ lên. Nếu cố nhổ ngay, có thể làm bật cả phần rễ dưới đất, gây tổn thương hệ rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập. Thay vào đó, hãy để phần gốc còn lại tự khô héo trong 1-2 tuần, sau đó mới nhổ lên. Cách này không chỉ giúp bảo vệ bộ rễ mà còn kích thích cây ra mầm mới.
Ngoài ra, trong quá trình cắt tỉa cành, cũng nên kết hợp nhổ cỏ dại để giữ cho cây phát triển tốt hơn.
III. Chăm sóc dinh dưỡng cho cây trong giai đoạn cắt tỉa
Khử khuẩn đất & diệt sâu
Trước tiên, cần khử khuẩn đất và kết hợp diệt sâu bằng các loại thuốc sinh học. Hãy pha loãng thuốc và dùng để tưới gốc, giúp bảo vệ cây khỏi sâu bệnh.
Bón phân
Trong giai đoạn này, nên bón phân thường xuyên hơn, khoảng 10 ngày một lần.
Mỗi lần bón, sử dụng phân hữu cơ hoai mục, mỗi gốc khoảng một nắm tay là đủ.
Dinh dưỡng bổ sung
Dịch trùn quế: Giúp cây măng tây phát triển mạnh, kích thích mầm mới mọc nhanh và nhiều hơn.
Rỉ mật ủ với EM gốc: Hỗ trợ tăng hệ vi sinh trong đất, giúp cải thiện độ màu mỡ.
Hai loại này nên tưới luân phiên mỗi 5 ngày một lần.
Theo dõi cây thường xuyên
Quan sát tình trạng cây để phát hiện sớm dấu hiệu sâu bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng. Nếu thấy bất thường, cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Phủ lớp hữu cơ
Sau khi cắt tỉa, phủ một lớp hữu cơ (như rơm, lá khô hoặc phân hữu cơ) lên luống măng tây. Lớp phủ này giúp điều chỉnh nhiệt độ đất, giữ ẩm và ngăn chặn cỏ dại, tạo môi trường thuận lợi cho cây phát triển.
IV. Nuôi cây mẹ sau khi cắt tỉa
Sau mỗi đợt thu hoạch, cần để cây mẹ phát triển để đảm bảo măng tiếp tục ra đều và khỏe mạnh.
Chọn cây mẹ
- Tiêu chí chọn cây mẹ: Chọn những cây khỏe, thân to, ít sâu bệnh.
- Số lượng cây mẹ: Duy trì 3-5 cây mẹ/m² để nuôi dưỡng rễ và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
Chăm sóc cây mẹ theo hữu cơ
✔️ Bón phân hữu cơ
- Sau khi ngừng thu hoạch: Bón phân trùn quế, phân chuồng hoai mục (bò, gà, dê), khoảng 5-7kg/m².
- Hàng tháng: Bổ sung đạm cá, dịch chuối hoặc đậu tương ủ hoai để cây phát triển bền vững.
- Sau mỗi lần cắt tỉa: Bón phân vi sinh hoặc tro trấu để cung cấp khoáng chất tự nhiên.
✔️ Tưới nước
- Mùa khô: Tưới 2 lần/ngày (sáng sớm, chiều mát).
- Mùa mưa: Giảm tần suất tưới, tránh để cây bị úng.
- Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để duy trì độ ẩm mà không làm đất quá ướt.
✔️ Cắt tỉa lá già
- Cắt bỏ lá vàng úa, lá bị sâu bệnh để giữ cây thông thoáng.
- Khi cây mẹ quá rậm rạp, tỉa bớt cây mẹ để giúp bụi cây tập trung dinh dưỡng nuôi rễ.
- Dùng kéo sắc đã rửa sạch và phơi khô để cắt tỉa cành lá, giúp cây giảm nguy cơ nhiễm bệnh hại.
✔️ Phòng trừ sâu bệnh hữu cơ
- Bọ trĩ, rầy mềm, sâu xanh → Phun dung dịch tỏi + ớt + gừng ngâm rượu.
- Bệnh nấm, vàng lá → Phun nước vôi trong hoặc chế phẩm sinh học EM 7-10 ngày/lần.
- Sâu đất, tuyến trùng → Rải bột neem, bã cà phê hoặc tro bếp quanh gốc.
V. Khi nào cần trồng lại măng tây?
- Sau 5-7 năm, cây mẹ suy yếu, măng nhỏ dần.
- Lúc này cần luân canh, cải tạo đất và trồng lại lứa cây mới từ hạt hoặc hom giống.
Đang cập nhật bài viết